fbpx

Ngành thời trang nhanh “Fast Fashion” ngày càng lộ rõ những tác động xấu lên môi trường, con người và động vật…Việc chuyển mình hướng tới những sản phẩm bền vững hơn trong thời trang là điều cần thiết. Tuy nhiên nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm xanh lại khiến nhiều nhà sản xuất coi đó là một xu hướng hơn là giải pháp.

Song song với đó là những mối lo ngại về hành động Greenwashing. (Greenwashing hay “tẩy xanh” là thuật ngữ dùng để chỉ hành vi quảng cáo sai lệnh về một sản phẩm không thực sự thân thiện với môi trường, lợi dụng niềm tin của khách hàng và mượn mác “xanh” với để đánh bóng cho thương hiệu, thúc đẩy doanh thu).

Các chứng nhận trong thời trang bền vững hay đạo đức trong ngành dệt may được xác nhận bởi các tổ chức uy tín chính là dấu hiệu nhận biết tốt nhất giúp người tiêu dùng phân biệt được những sản phẩm thực sự “xanh” giữa muôn vàn lời lời quảng cáo đường mật. Để tìm hiểu dễ dàng hơn, chúng ta tạm chia chứng nhận thành 4 loại: toàn diện, lao động, môi trường và thuần chay.

Chứng nhận toàn diện – các chứng nhận trong thời trang bền vững

REMAKE

Remake certi các chứng nhận trong thời trang bền vững

Các tiêu chí đánh giá của REMAKE tính trên thang điểm từ 0 đến 100, các nhãn hàng cần đạt từ 50 điểm trở lên để nhận được chứng chỉ. Tiêu chí đánh giá gồm 5 hạng mục chính: sự minh bạch, sức khỏe người lao động, môi trường, nguyên liệu vải bền vững và tính lãnh đạo.

Khi đánh giá một thương hiệu, REMAKE sẽ xem xét bất kì các chứng chỉ liên quan như Fair Trade, SA8000, GOTs, Bluesign, WRAP… Việc đánh giá toàn diện với những yêu cầu cao về môi trường và đạo đức của REMAKE khiến những nhãn hàng vượt qua đánh giá này được xếp vào top những thương hiệu bền vững nhất. 

Eco-Stylist

Eco stylist - chứng nhận thời trang xanh

Eco-Stylist tin tưởng rằng quy tắc tiêu chuẩn của sản phẩm bền vững phải đạt hay vượt qua chất lượng và tính thẩm mỹ của thời trang truyền thống. Bởi lẽ đó, bất kì nhãn hàng nào muốn lấy chứng nhận Eco-stylist sẽ cần xét duyệt những yếu tố này đầu tiên.

Trong hạng mục đạo đức và bền vững, Eco-Stylist dựa vào các tiêu chí đưa ra từ REMAKE.

B-Corporation

b-corporation chứng nhận thời trang xanh

B-Corporation hay gọi tắt là B-Corp, đo lường cả tác động môi trường và xã hội từ những người đăng kí. Để nhận được chứng nhận B-Corp, một công ty cần đạt được điểm số  tối thiểu trong bài đánh giá B Impact Assessment, đây là một đánh giá nghiêm ngặt về tác động của doanh nghiệp đối với người lao động, khách hàng, cộng đồng và môi trường.

Khi nhắc đến B Corporations, người ta sẽ liên tưởng ngay đến những công ty đề cao tính trách nhiệm xã hội, đặt những sứ mệnh xã hội vào trong giá trị phát triển cốt lõi của công ty. Cũng chính vì thế mà bạn không thể kết luận một thương hiệu là đạo đức hay bền vững chỉ bằng chứng nhận B Corp mà cần phải tìm hiểu sâu hơn.

The Sustainable Apparel Coalition (SAC)

The Sustainable Apparel Coalition (SAC)

The Sustainable Apparel Coalition (SAC) hay Liên minh may mặc bền vững cung cấp bộ hướng dẫn thông qua chỉ số Higg (Higg Index) để khuyến khích các ngành công nghiệp may mặc, da giày và dệt may cùng chung tay thực hiện các phương pháp bền vững.

Các công cụ do SAC tạo ra đo lường tác động đối với môi trường, xã hội và lao động theo từng loại ngành. Với dữ liệu do SAC cung cấp, một ngành có thể “giải quyết tình trạng kém hiệu quả, giải quyết các hoạt động gây tổn hại và đạt được sự minh bạch về môi trường và xã hội mà người tiêu dùng yêu cầu”

Mặc dù SAC cung cấp hướng dẫn cho các ngành muốn kết hợp các phương pháp bền vững, nhưng không đảm bảo về việc theo dõi xem họ có tuân thủ và thực thi chặt chẽ các nguyên tắc đó hay không.

The Higg Index

The Higg Index - chứng chỉ bền vững

The Higg Index được phát triển bởi The Substainable Apparel Coaltion đặt ra một tiêu chuẩn toàn diện, không ràng buộc để đo lường tác động tới xã hội và môi trường đối với giá trị hàng hóa từ các thương hiệu, nhà bán lẻ và cơ sở sản xuất.

Chỉ số Higg không phải là chứng nhận, nó có thể không hữu ích với người tiêu dùng, nhưng có thể sẽ hữu ích cho các thương hiệu khi họ tự đánh giá lẫn nhau

Chứng nhận về lao động

Fair Trade Certified

Fair Trade Certified - Chứng nhận thương mại công bằng

Fair Trade Certified hay Chứng nhận thương mại công bằng tập trung vào trao quyền kinh tế và cuộc sống bền vững. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất và công ty, Fair Trade Certified đảm bảo rằng những người sản xuất hàng hóa có chứng nhận Fair Trade Certified phải có điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ môi trường, xây dựng sinh kế bền vững và kiếm được thêm các khoản thu nhập để họ có thể trao quyền cho cộng đồng của mình.

Một sản phẩm có chứng nhận Fair Trade hoặc một thương hiệu sử dụng nhà máy có chứng nhận Fair Trade đồng nghĩa với việc không có lao động nô lệ và lao động trẻ em, điều kiện làm việc an toàn cũng như trả lương công bằng. Các nhà máy được cấp chứng nhận Fair Trade cũng phải thực hiện giải pháp về môi trường như đầu tư vào công nghệ tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và hạn chế sử dụng hóa chất.

Fair Trade Certified được coi là chứng nhận tốt nhất để xác định việc các thương hiệu có chú trọng đến người lao động trong chuỗi cung ứng hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một sản phẩm có chứng nhận Fair Trade về may mặc có nghĩa là công đoạn sản xuất cuối cùng được chứng nhận chứ không phải những công đoạn trước đó, vì vậy bạn cũng nên tìm kiếm các chứng nhận cho các nguyên liệu thô như GOTS hay tiêu chuẩn SA8000.

SA8000 Standard

SA8000 Standard - chứng nhận Social Accountability International

SA8000 Standard được thành lập bởi Social Accountability International vào năm 1997 với mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn về đạo đức dành cho người lao động mà không ảnh hưởng tới những lợi ích kinh tế.

Tiêu chuẩn này được phát triển để đảm bảo rằng khi một công ty được công nhận là đối xử công bằng với người lao động của mình, các vấn đề về quyền con người và quyền xã hội đều phải được giải quyết. 9 yếu tố mà SA8000 đề cập bao gồm: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, sức khỏe và an toàn, quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể, phân biệt đối xử, thực hành kỷ luật, giờ làm việc, thù lao và hệ thống quản lý.

Các thương hiệu đạt Tiêu chuẩn SA8000 trả lương đầy đủ cho người lao động, đồng thời có các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn cho người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế).

The World Responsible Accredited Production (WRAP)

The World Responsible Accredited Production (WRAP)

The World Responsible Accredited Production (WRAP) là một chứng nhận độc lập xem xét kỹ lưỡng về các vấn đề: lao động cưỡng bức, lợi ích công nhân không được đảm bảo và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. WRAP chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quần áo, giày dép và sản phẩm may. WRAP có 12 nguyên tắc dựa trên việc tuân thủ luật pháp và quy định tại nơi làm việc.

Các nguyên tắc này nhằm mục đích cấm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, quấy rối và lạm dụng, bên cạnh đó là việc đảm bảo lương thưởng, quyền lợi và giờ làm việc bình thường.

WRAP cũng tìm cách bảo vệ môi trường, cung cấp các điều kiện an toàn cho người lao động, tôn trọng quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể.

WRAP đo lường các tiêu chuẩn này và các doanh nghiệp sau đó được xếp hạng với 3 mức chứng nhận bạch kim, vàng hoặc bạc. WRAP hoạt động ở mức độ giám sát cao với chính sách không khoan nhượng.

Chứng nhận WRAP đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn, không có lao động nô lệ, không có lao động trẻ em, quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Nó không hứa hẹn một mức lương đủ sống. Và điều quan trọng nữa, WRAP có tới ba cấp chứng nhận và chúng ta cần kiểm tra xem công ty đang có chứng nhận cấp nào nhé.

Ethical Trading Initiative

Ethical Trading Initiative ETI tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ

Ethical Trading Initiative hay còn được gọi là ETI, bao gồm các công ty, tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác để thúc đẩy quyền của người lao động thông qua vận động hành lang và hỗ trợ các thương hiệu xây dựng và thực thi các quy tắc lao động công bằng.

Bộ luật cơ sở ETI bao gồm quyền tự do việc làm,quyền tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể. Bộ luật Cơ sở ETI cũng đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, lao động trẻ em bị cấm, trả lương đầy đủ, cấm phân biệt đối xử, hạn chế giờ làm. Đối xử thô bạo hoặc vô nhân đạo cũng bị cấm theo Bộ luật Cơ sở ETI.

The Social Accountability Accreditation Services

SAAS_The Social Accountability Accreditation Services

The Social Accountability Accreditation Services (SAAS) có hệ thống đánh giá và đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt. SAAS giám sát và xác minh các hoạt động do khách hàng của họ thực hiện để duy trì các tiêu chuẩn và quy tắc trách nhiệm xã hội. SAAS hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các doanh nghiệp và tổ chức.

Một thương hiệu hoặc công ty được SAAS chứng nhận có nghĩa là họ đang thực sự nỗ lực cải thiện cách họ điều hành hoạt động kinh doanh của mình. Không chỉ vậy, nhờ các hệ thống đánh giá và đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt mà SAAS sử dụng, bạn biết rằng thương hiệu hoặc công ty đang thực sự thay đổi để giúp họ trở nên tốt hơn.

Fair Wear Foundation

Fair Wear Foundation tập trung vào các quy trình may

Fair Wear Foundation đặc biệt tập trung vào các quy trình may và cắt may trong sản xuất hàng may mặc. Họ làm việc với các thương hiệu, người tiêu dùng, hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để tạo ra các tiêu chuẩn bao gồm các điều kiện công bằng hơn trong ngành may mặc. Fair Wear Foundation sử dụng các bên thứ ba độc lập để kiểm tra tình hình thực tế ở ba cấp độ khác nhau.

Thông qua kiểm tra hiệu suất thương hiệu, đánh giá sàn nhà máy, đào tạo và đường dây hỗ trợ khiếu nại, họ làm việc với các thương hiệu để tạo ra các tiêu chuẩn công bằng hơn, cải thiện điều kiện của người lao động. Mặc dù Fair Wear Foundation hoạt động để giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong các nhà máy, tuy nhiên việc thay đổi còn phụ thuộc nhiều vào chính thương hiệu tham gia, liệu họ có giám sát chuỗi cung ứng và thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh để thúc đẩy điều kiện làm việc tốt hơn và giải quyết các vấn đề hay không?

Chứng nhận về môi trường – các chứng nhận trong thời trang bền vững

GOTS (Global Organic Textile Standard)

GOTS tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu

GOTS là viết tắt của Global Organic Textile Standard – tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu. Chứng nhận GOTS đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về cả xã hội và môi trường, mọi thứ từ nguyên liệu thô đến thành phẩm đều được đưa vào chứng nhận.  Ví dụ khi bạn mua một chiếc áo Cotton có chứng nhận GOTS, bạn không chỉ biết rằng bông được trồng hữu cơ mà toàn bộ quá trình tạo ra bông đều đạo đức và bền vững.

Một vài tiêu chí được cân nhắc trong chứng nhận GOTS gồm: lao động, hóa chất được sử dụng, loại sợi, xử lý nước thải và bao bì. GOTS coi “lao động công bằng” là mức lương công bằng, không có lao động trẻ em và không có lao động nô lệ.

GOTS cũng thống nhất các tiêu chuẩn giữa các quốc gia và hiện đang giám sát 1,4 triệu công nhân tại 4.600 nhà máy trên toàn thế giới. Đây là một trong những chứng nhận đáng tin cậy nhất.

Bluesign Standard

blue sign

Bluesign Standard được trao cho các nhà sản xuất dệt may cung cấp điều kiện làm việc an toàn cho lao động của mình và có những hành động giảm thiểu tác động tới môi trường. Bluesign xem xét các tác động môi trường của tất cả các bước trong ngành sản xuất dệt may từ ô nhiễm nguồn nước đến ô nhiễm không khí. Hàng dệt may đạt Bluesign Standard đảm bảo an toàn cho người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng xung quanh.

Khi mua một sản phẩm được chứng nhận bởi Bluesign Standard, bạn biết rằng sản phẩm đó đã đạt được một trong những thứ hạng cao nhất về an toàn lao động và môi trường.

Cradle to Cradle Standard

Cradle to Cradle Standard sức khỏe nguyên liệu

Tiêu chuẩn Cradle to Cradle đánh giá qua các hạng mục : sức khỏe nguyên liệu, tái sử dụng nguyên liệu, năng lượng tái tạo và quản lý carbon, quản lý nguồn nước và công bằng xã hội. Sau khi một sản phẩm được tiến hành đánh giá, chúng sẽ được phân loại thành cơ bản, đồng, bạc, vàng hoặc bạch kim trong mỗi hạng mục.

Điểm thấp nhất mà sản phẩm nhận được trong bất kỳ hạng mục nào sẽ là điểm cuối cùng cho chứng nhận sản phẩm đó. Cradle to Cradle không chỉ tập trung vào vấn đề đạo đức trong sản xuất sản phẩm mà còn quan tâm về tác động của chúng cho đến khi kết thúc vòng đời.

Oeko-Tex Standard 100

Oeko-Tex Standard 100 Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu và Thử nghiệm trong lĩnh vực dệt may và da

Standard 100 do Oeko-Tex (Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu và Thử nghiệm trong lĩnh vực dệt may và da) đặt ra. Đây là tiêu chuẩn đảm bảo vật liệu dùng trong sản xuất dệt may không gây độc hại cho con người. Bằng cách giám sát và đánh giá thuốc nhuộm, vải, hóa chất và các vật liệu sản xuất khác, Oeko-Tex Standard 100 đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và công nhân.

Global Recycled Standard

Global Recycled Standard - Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu

Global Recycled Standard – Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu hay GRS là một tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện được thực thi bởi Textile Exchange nhằm theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm cũng như để xác minh các hoạt động xã hội, môi trường và hóa chất có trách nhiệm trong sản xuất. Với mục tiêu thực thi và đảm bảo rằng ít nhất 20% nguyên liệu tái chế thực sự được sử dụng trong các sản phẩm tuyên bố có chứa chúng.

Leather Working Group

Leather Working Group hoặc LWG

Leather Working Group hoặc LWG phê duyệt và xếp hạng các xưởng thuộc da với mức vàng, bạc hoặc đồng dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc hoạt động về bảo vệ môi trường. LWG xem xét cả quản lý chất thải, tiêu thụ nước, sử dụng năng lượng và nhiều yếu tố khác.

Các cuộc đánh giá của LWG đều do các bên thứ ba thực hiện bằng cách sử dụng một bộ tiêu chuẩn nhất quán. Vì vậy, một công ty hoặc sản phẩm được LWG chứng nhận sử dụng da có nguồn gốc bền vững hơn.
BCIBetter Cotton Initiative

Better Cotton Initiative hay BCI là một tổ chức phi lợi nhuận

Better Cotton Initiative hay BCI là một tổ chức phi lợi nhuận và là chương trình bền vững về bông lớn nhất trên thế giới. BCI hướng tới một ngành sản xuất bông toàn cầu tốt hơn cho những người lao động, môi trường và cho cả tương lai của ngành.

BCI cố gắng thực hiện điều này bằng cách đặt ra tiêu chí rõ ràng cụ thể cho các bên tham gia, đảm bảo và khuyến khích các công ty kết hợp sự công bằng về môi trường, xã hội và kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, tuy đã tốt hơn nhưng bông BCI vẫn chưa bền vững như bông hữu cơ.

Forest Stewardship Council

Forest Stewardship Council là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng

Forest Stewardship Council hay FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Họ làm việc với các khu rừng,chuỗi cung ứng, nhà bán lẻ và các bên khác để đảm bảo đáp ứng 10 nguyên tắc FSC.

Canopy

Canopy các giải pháp kinh doanh giúp bảo vệ rừng

Canopy là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế làm việc với hơn 750 công ty khác nhau để phát triển các giải pháp kinh doanh giúp bảo vệ rừng. Canopy thúc đẩy sự đổi mới trong chuỗi cung ứng bằng cách cung cấp các giải pháp từ phát triển chính sách cho đến các sản phẩm giấy rơm và bột giấy. Họ cũng cung cấp các loại sợi thay thế cho quần áo, bột giấy tái chế và giấy, các chứng nhận cho sản phẩm lâm sản.

Eco-Cert

Eco-Cert là một trong những tổ chức chứng nhận hữu cơ lớn nhất thế giới

Eco-Cert là một trong những tổ chức chứng nhận hữu cơ lớn nhất thế giới giám sát các sản phẩm hữu cơ và phát triển bền vững. Eco-Cert đặt ra mục tiêu hỗ trợ môi trường và khuyến khích các công ty nông nghiệp áp dụng các biện pháp có trách nhiệm hơn. Trong ngành công nghiệp dệt may, các sản phẩm được chứng nhận phải được trồng bằng nguyên liệu phù hợp với Tiêu chuẩn bông hữu cơ. Nhóm kiểm tra viên của họ làm việc để tăng cường cam kết của những người tham gia trong việc giảm tác động đến môi trường.

1% for the Planet

1% for the Planet doanh thu của họ cho môi trường

1% for the Planet trao cho bất kỳ công ty nào đạt điều kiện cam kết đóng góp ít nhất 1% doanh thu của họ cho môi trường. Tuy nhiên, tư cách thành viên không chỉ dành cho các công ty, những cá nhân cam kết 1% lương hàng năm của họ (bằng tiền mặt hay công việc thiện nguyện) đều có thể tham gia mạng lưới 1% for the Planet này.

1% for the Planet không phải là cách để đánh giá thương hiệu có bền vững hay không. Tuy nhiên, đó là cách cho ta thấy được một công ty có thực sự đóng góp cho môi trường.

Chứng nhận thuần chay

PETA Approved Vegan

PETA các chứng nhận trong thời trang bền vững

PETA chứng nhận các sản phẩm may mặc, phụ kiện, đồ nội thất hoặc trang trí nhà là thuần chay (không chứa da động vật). Lưu ý rằng những người tham gia điềm form tham gia và không có cuộc kiểm tra nào khác từ bên thứ ba để xác nhận độ trung thực. Vì vậy, mặc dù chứng nhận này có thể cho biết sản phẩm có thuần chay hay không,  bạn vẫn nên kiểm tra kỹ hoặc tìm kiếm các hình thức xác minh khác nhé.

Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp các nhãn hàng thời trang hay người tiêu dùng lựa chọn được những nguyên liệu, sản phẩm thực sự “xanh” và chất lượng!

Nguồn bài viết: Eco-stylist

Mời bạn đánh giá
Liên hệ